A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo dục Yên Bái: Viên gạch hồng “xây" ngày mai

YênBái - Xác định rõ sứ mệnh của mình, 30 năm qua, kể từ ngày tỉnh Yên Bái tái lập (1/10/1991 - 1/10/2021), sự nghiệp giáo dục- đào tạo Yên Bái đã có bước tiến vượt bậc. Mạng lưới trường lớp được xây dựng khang trang, chất lượng GD-ĐT ngày càng được nâng cao. Bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ ấy đã đáp ứng kỳ vọng của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đối với sự nghiệp “trồng người” trong tình hình mới.

 

Thời điểm tái lập tỉnh

Năm học 1991 - 1992 là năm học đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh, toàn tỉnh có 340 trường (trong đó có 4 trường phổ thông dân tộc nội trú) với trên 5.100 lớp, trên 125.000 học sinh, trên 8.100 giáo viên; 62 xã "trắng" về giáo dục mầm non. Hầu hết các trường vùng cao mới chỉ có đến lớp 2, lớp 3; toàn tỉnh có 4.120 phòng học thì hơn 60% là phòng học tạm, điều kiện phục vụ dạy học và chế độ tại các trường muôn vàn thiếu thốn.

Nền móng vững chắc

Bằng sự đổi mới, năng động, sáng tạo trong cách làm, đến nay, hệ thống mạng lưới trường lớp từ mầm non đến phổ thông trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao và có chất lượng của con em nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 466 cơ sở giáo dục với quy mô trên 6.800 lớp, trên 221.000 học sinh, học viên; so với ngày đầu tái lập đã tăng hơn 100 trường, 1.700 lớp, 96.000 học sinh. Toàn ngành có trên 13.000 lao động, tăng gần 5.000 người so với ngày tái lập; trong đó 79,4% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên, 20,4% trên chuẩn, trên 400 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. 

 

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh thăm và động viên các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh.

 

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì, đạt kết quả tốt theo đúng lộ trình. Công tác giáo dục dân tộc có những chuyển biến mạnh mẽ. Quy mô, số lượng các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú được tăng cường, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc.

Cơ sở vật chất trường lớp được chuẩn hóa

Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Các phòng học, nhà công vụ được đầu tư xây dựng đảm bảo điều kiện hoạt động; các phòng học tương tác, phòng học thông minh, phòng học bộ môn, thiết bị dạy học, thiết bị ứng dụng công nghệ cao được quan tâm đầu tư, nhất là các trường đạt chuẩn quốc gia. 

Riêng giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt trên 652 tỷ đồng và huy động, xã hội hóa được 114 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có gần 6.500 phòng học của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, tỷ lệ kiên cố đạt 84%, tỷ lệ phòng học tạm còn 3,4%; có 263/443 trường mầm non, phổ thông được công nhận trường chuẩn quốc gia, đạt 59,4%.

 Bước chuyển từ Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp 

Một trong những điểm nhấn nổi bật của ngành GD-ĐT tỉnh Yên Bái trong 30 năm qua, đặc biệt trong 5 năm qua, là thành công của Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp đã giúp học sinh trên địa bàn tỉnh được học tập trung, sinh hoạt tập trung tại điểm trường chính với điều kiện tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quảcông tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 

Chất lượng giáo dục đại trà vững chắc,  giáo dục mũi nhọn tăng

Nhiều năm qua, ngành giáo dục Yên Bái tập trung toàn lực cho việc đổi mới phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của ngành như: "Dạy tốt - học tốt”, "Trường học thân thiện, học sinh tích cực",  cuộc vận động " Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"... đã đưa chất lượng giáo dục đại trà nâng lên một cách vững chắc, tạo được nền tảng căn bản cho giáo dục mũi nhọn. Giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh được quan tâm. 

Em Nguyễn Đình Hoàng (cựu học sinh lớp 12 Hóa, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành) là học sinh đầu tiên của tỉnh Yên Bái giành được Huy chương Bạc ở kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2019

Chỉ 5 năm qua, Yên Bái đã có gần 3.000 học sinh đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc. 

Là địa chỉ uy tín của giáo dục mũi nhọn Yên Bái, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã bồi dưỡng và ươm mầm tài năng trên đấu trường quốc tế với những thành tích đáng tự hào khi có học sinh đạt Huy chương Bạc  kỳ thi Olympic Hoá học Quốc tế; giải khuyến khích Olympic vật lý Châu Á.

Xây dựng những "Trường học hạnh phúc”

Cùng với trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, việc tạo dựng, nhân rộng các mô hình "Trường học hạnh phúc”, "Lớp học hạnh phúc” đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ của ngành giáo dục. Ở đó, những giá trị yêu thương, an toàn và tôn trọng được nhân lên, bồi đắp, để mỗi ngày đến trường của học sinh thực sự là một ngày vui.

Đổi mới và hội nhập

Sau 30 năm dựng xây và phát triển, những thành tựu toàn diện về mọi mặt đã tạo nên bức tranh giáo dục - đào tạo tỉnh Yên Bái tươi mới với nhiều gam màu sáng. Tuy nhiên, ngành GD-ĐT tỉnh Yên Bái xác định còn nhiều việc phải làm để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Nhiều trường học ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn được tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở, vật chất trường học. (Trong ảnh: Các bé Trường Mầm non xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên trong giờ chơi)

Những thành tựu mà ngành GD-ĐT đã đạt được trong suốt 30 năm qua, đặc biệt là đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020 là những viên gạch hồng "xây" cho ngày mai trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần để ngành GD-ĐT tỉnh thực hiện thành công mục tiêu "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra. 

 

Thanh Chi - Hoài Văn


Nguồn:Báo Yên Bái Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội